Chích ngừa cho mèo là biện pháp bảo vệ thú nuôi ít tốn kém nhất. Là một phần quan trọng ảnh hưởng trực tiếp xuyên suốt đến sức khỏe đời sống của mèo. Mục đích của chích ngừa là tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật đến từ bên ngoài như: virus, vi khuẩn, xoắn khuẩn. Đa số các bệnh cần chích ngừa khi xảy ra trên mèo rất khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao và khi điều trị rất cần thời gian chăm sóc.
Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể chích ngừa cho mèo được. Bạn cần chú ý đến những điều sau đây nhé.
MUỐN CHÍCH NGỪA CHO MÈO – MÈO CẦN ĐỦ TUỔI
Bạn muốn chích ngừa cho mèo thì bé mèo của bạn đã đủ tuổi chưa? Khoảng bao lâu thì mới đủ tuổi chích ngừa? Mèo cũng giống như trẻ em vậy, phải đủ tuổi thì mới tiến hành tiêm phòng được. Và mình xin phép được trả lời với các bạn.
Theo các nhà cung cấp vắc xin thời điểm có thể tiêm mũi thứ 1 vào lúc mèo con được 6 tuần tuổi. Tuy nhiên họ khuyến khích mèo con nên tiêm vào lúc 8 tuần tuổi. Với thời gian này hệ tiêu hóa của mèo đã ổn định hơn. Và quy trình chích ngừa của họ như sau:
Mèo con từ 6 – 8 tuần tuổi: tiêm vắc xin 4 bệnh, mũi thứ 1
Mèo con từ 11 – 12 tuần tuổi: tiêm nhắc lại vắc xin 4 bệnh, mũi thứ 2
Mèo con từ 15 – 16 tuần tuổi: tiêm nhắc lại vắc xin 4 bệnh, mũi thứ 3
Sau khi xong, 3 mũi trên thì hằng năm mèo trưởng thành tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin 4 bệnh để kích thích, gợi nhớ cho cơ thể tạo miễn dịch bảo hộ.
MUỐN CHÍCH NGỪA CHO MÈO CẦN CÓ SỨC KHỎE TỐT
Mặc dù mèo đã đủ tuổi tiêm phòng nhưng sức khỏe mèo không tốt thì cũng không nên tiêm. Nếu bạn tiêm trong thời điểm nhạy cảm như vậy sẽ tạo cơ hội cho mầm bệnh của vắc xin phát triển. Vì vắc xin chính là một phần của mầm bệnh đã được làm yếu đi hoặc làm nhược độc. Trong môi trường bình thường vắc xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Với mục đích là kiềm hãm sự phát triển của mầm bệnh. Khi mèo của bạn không khỏe, tức là môi trường thuận lợi để mầm bệnh trong vắc xin có thể “quay trở lại” dạng gây độc. Và mèo của bạn cũng có thể nhiễm bệnh những bệnh nguy hiểm đó từ việc tiêm phòng không đúng cách.
Nó cơ bản giống y như con người chúng ta vậy. Ví dụ: mình có con trai và đến tuổi đưa bé đi chích ngừa thì bên y tế họ luôn đưa 1 tờ phiếu khai thông tin. Tờ phiếu đó chính xác là phiếu thăm dò sức khỏe trong vài tuần gần nhất. Bạn có nhận thấy điều đó không? Và sau khi tiêm cho con trai của mình xong thi có một khoảng thời gian chờ 30 phút. Trong 30 phút này con của mình bình thường thì ra về. Còn có sự cố về sức khỏe thì bên y tế họ sẽ xử lý tiếp.
MUỐN CHÍCH NGỪA CHO MÈO CẦN CÓ HỆ TIÊU HÓA TỐT
Bạn có biết, mèo là thú săn mồi không? Điều này có nghĩa là bộ máy tiêu hóa của chúng khác với con người chúng ta. Nhưng do loài mèo được chúng ta thuần phục và nuôi dưỡng từ 3600 năm trước công nguyên. Thì bộ máy tiêu hóa đó cũng thay đổi để thích nghi. Và trong cùng đoạn ruột sẽ có 2 cơ chế tiêu hóa khác nhau.
Nên bạn chú ý nhé, hệ thống tiêu hóa của mèo ngày nay có thể đáp ứng được với thức ăn của người. Nhưng tốt nhất là bạn hãy cho chúng ăn thức ăn hạt vì nhà cung cấp thức ăn đã nghiên cứu rất kỹ bộ máy này.
Với mèo con từ 6 tuần tuổi, bạn có thể tập ăn cho chúng với các loại hạt mềm. Và khi về nhà mới thì không nên thay đổi thức ăn đột ngột. Sự đột ngột sẽ làm bộ máy tiêu hóa của mèo chưa kịp thích nghi và chúng sẽ bị tiêu chảy đấy. Ngoài ra sự đột ngột của môi trường làm chúng hoảng sợ về mặt tâm lý nữa.
MUỐN CHÍCH NGỪA CHO MÈO CẦN MỘT MÔI TRƯỜNG QUEN THUỘC
Tất nhiên rồi, khi bé mèo vừa về nơi ở mới sẽ rất lạ lẫm và sợ hãi. Nỗi sợ đó là yếu tố gây stress về mặt tâm lý. Với mèo con một nơi chưa từng biết đến, xa mẹ và các anh chị em cùng lứa. Xa nơi ở quen thuộc của chúng thì mèo con rất nhút nhát, thăm dò.
Tuy nhiên sau thời gian sinh hoạt thì chúng sẽ trở nên thân thuộc với môi trường sống mới hơn. Chúng tự tạo ra “địa bàn mới” cho mình bằng cách đánh dấu lãnh thổ. Khi mèo ở trong lãnh thổ của mình thì chúng hoàn toàn tự tin và không bị stress. Mình có chia sẻ ở bài viết trước về cách đánh dấu lãnh thổ bằng mùi của mèo, bạn tìm đọc lại nhé!
Bài viết “Khi nào chích ngừa cho mèo?” sẽ cho các bạn hiểu thêm về yếu tố tác động đến sức khỏe của mèo. Ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin khi tiêm phòng cho mèo. Giúp bạn hiểu được nỗi sợ của bé mèo con mới về nhà. Và cách chăm sóc chúng sao cho tốt nhất.
Với thông điệp: “Chia sẻ kiến thức, kết nối cùng nhau chăm sóc thú cưng” xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiêp theo nhé!
Bài viết số: 43
BSTY – Hồ Minh Hoàng
Địa chỉ: 51 Đặng Nhữ Lâm, Khu phố 6, Thị Trấn Nhà Bè, Tp.HCM
Điện thoại: 090 252 9302
Bài viết liên quan: 7 BÍ MẬT VỀ THÓI QUEN CỦA MÈO BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA? – Bài số 42
Bài viết liên quan: CÁCH CHĂM SÓC MÈO CON BỊ BỎ RƠI HAY MẤT MẸ – Bài số 41
Bài viết liên quan: CHĂM SÓC MÈO CON – KIỂM TRA SỨC KHỎE – Bài số 40
Bài viết liên quan: CHĂM SÓC MÈO CON KHI VỀ NHÀ MỚI – Bài số 39
Bài viết liên quan: TIÊM PHÒNG CHO CHÓ TẠI NHÀ MÙA COVID-19? Bài số 38
Trả lời